Thay vì phương án đã công bố cách đây không lâu, Sở GD-ĐT Hà Nội vừa đưa ra 3 phương án để xin ý kiến về tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2018-2019.
Điều này được đưa ra tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2018-2019 cấp THCS do Sở GD-ĐT Hà Nội tổ chức với sự tham dự của đại diện ban giám hiệu 615 trường THCS trên địa bàn thành phố ngày 13/8.
Ông Phạm Quốc Toản, Trưởng Phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng giáo dục (Sở GD-ĐT Hà Nội) cho biết, Sở đã xây dựng dự thảo 3 phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020. Cụ thể
- Phương án 1: Thi tuyển 4 bài thi độc lập gồm Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi thứ tư (thuộc 1 trong các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Bài thi thứ tư do Sở GD-ĐT công bố vào cuối tháng 3. Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài, đối với 2 bài thi còn lại là 60 phút/bài.
- Phương án 2: Giữ nguyên như phương án tuyển sinh năm học 2018-2019, tức là tổ chức thi tuyển kết hợp với xét tuyển.
- Phương án 3: Tổ chức thi 3 bài thi, gồm 2 bài thi độc lập là Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tổ hợp: Tổ hợp 1 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Vật lý, Lịch sử và Giáo dục công dân) hoặc Tổ hợp 2 (gồm 4 môn: Ngoại ngữ, Hóa học, Sinh học và Địa lý). Việc quyết định tổ chức bài thi tổ hợp nào sẽ được Sở GD-ĐT thực hiện theo hình thức bốc thăm và công bố vào cuối tháng 3.
Thời gian làm bài đối với bài thi Toán và Ngữ văn là 120 phút/bài. Với bài thi tổ hợp là 90 phút/bài.
Đại diện Sở GDĐT Hà Nội cũng cho hay, ngoài 3 phương án như trên, các nhà trường có thể đề xuất phương án tuyển sinh khác. Sở GDĐT sẽ tổng hợp ý kiến đề xuất của các nhà trường về phương án tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019-2020 để trình UBND thành phố phê duyệt.
Học sinh hoang mang trước quá nhiều phương án thi vào 10
Theo quan điểm của thầy Trần Mạnh Tùng (giáo viên Toán, THPT Lương Thế Vinh, HN), ở thời điểm hiện tại, chọn phương án 1 là phù hợp nhất, tương tự như thi THPT đã áp dụng trong một thời gian dài. Phương án 1 phát huy được mục đích giáo dục toàn diện, khắc phục được các nhược điểm của hai phương án kia.
Ở phương án 2, việc không thi môn Ngoại ngữ dẫn đến việc học sinh chưa chú trọng môn này, gây khó khăn nhiều trong việc học Ngoại ngữ ở trung học phổ thông. Nhiều tỉnh nhận ra tầm quan trọng của môn Ngoại ngữ nên tổ chức thi từ rất sớm.
Bên cạnh đó, việc xét tuyển dựa vào điểm 4 năm THCS của học bạ dẫn đến đánh giá trong học bạ chưa thật sự khách quan, thiếu độ tin cậy. Nhiều trường THPT không đồng tình với kết quả này. Trong thực tế, qua kiểm chứng ở THPT, khá nhiều học sinh có học bạ THCS “đẹp” nhưng lực học lại kém.
Ở phương án 3, việc thi thêm bài tổ hợp như thế là rất nặng nề và không hiệu quả. Sở chỉ công bố bài thi tổ hợp vào cuối tháng 3, tức là học sinh chỉ có chưa đủ 2 tháng để chuẩn bị một cách chủ động, cả năm học phải học để sẵn sàng đi thi cho 9 môn.
Nhiều tỉnh như Hưng Yên, Hải Phòng, Phú Thọ… đã nhận ra sự bất cập của phương án thi tổ hợp và hủy bỏ hoặc điều chỉnh lại.
Năm học mới 2018 - 2019 đang đến gần, để thuận tiện hơn cho thầy vào trò trong việc học và ôn thi vào 10, theo tôi Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên chủ động tham khảo ý kiến và chốt phương án sớm, trong tháng 9 là hợp lý.
Thầy Tùng (giáo viên Toán - LTV) chia sẻ về phương án thi vào lớp 10 năm 2019
Cũng theo thầy Tùng, nếu sử dụng phương án 1 thì nên triển khai như sau
Toán, Văn nên thi như cũ
Do là năm đầu tiên thay đổi nên Sở cần đảm bảo không gây xáo trộn và khó khăn nhiều cho học sinh. Theo tôi, nên thi Toán, Văn (120 phút) theo hình thức, nội dung như cũ, tránh thay đổi nhiều. Vừa rồi, TPHCM ra đề Toán thi vào 10 theo kiểu mới, sáng tạo và nhiều yếu tố thực tế song học sinh chưa quen nên kết quả rất thấp (51,5% học sinh có điểm Toán dưới trung bình).
Môn Ngoại ngữ nên thi tự luận kết hợp trắc nghiệm
Qua trao đổi, một số giáo viên Ngoại ngữ cho rằng để đáp ứng tốt các yêu cầu về kỹ năng với môn Ngoại ngữ, nên thi ở dạng tự luận kết hợp một số câu hỏi trắc nghiệm, trong đó có các dạng câu hỏi khác nhau, tương tự bài thi học kỳ chúng ta vẫn tổ chức ở cấp quận, huyện.
Môn thi thứ 4 nên thi trắc nghiệm 100%
Thầy Tùng đề xuất, môn thi thứ 4 không nên nặng nề. Sở chỉ công bố vào cuối tháng 3 hàng năm nên thời gian không nhiều.
Để tránh áp lực cho học sinh, chúng ta nên thi ở dạng trắc nghiệm nhẹ nhàng với những câu hỏi cơ bản trong sách giáo khoa hoặc những câu hỏi vận dụng đơn giản, tránh các kiến thức hàn lâm, vô bổ.
Công bố đề minh họa sớm
Để thuận lợi cho các nhà trường và không gây khó khăn cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội nên khẩn trương xây dựng đề minh họa và công bố sớm.
Nếu có thể, Sở nên công bố đề minh họa vào 2 đợt: Đợt 1 gồm đề 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ vào khoảng tháng 10, tháng 11. Đợt 2 gồm 4 môn, ngay sau khi Sở công bố môn thi thứ 4.
Bên cạnh đó, Sở cũng cần dành nhiều thời gian và nhân lực cho việc xây dựng ngân hàng đề thi trắc nghiệm để chủ động và tạo được các đề thi có chất lượng.